Bất động sản Long An, dự án mới rầm rộ ra hàng

Hàng loạt dự án mới được mở bán trong quý IV/2019 đã “hâm nóng” thị trường bất động sản Long An. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù có nhiều tiềm năng, nhưng thị trường này vẫn có những điểm nghẽn cần khơi thông.

 

Khu Tân An đang được giới đầu tư và doanh nghiệp địa ốc nhắm tới để phát triển dự án
Khu Tân An đang được giới đầu tư và doanh nghiệp địa ốc nhắm tới để phát triển dự án

Dự án mới đổ bộ

Tập đoàn Đồng Tâm Long An vừa phát đi thông báo mở bán Dự án Lavilla Green City Tân An tại TP. Tân An, tỉnh Long An. Dự án có quy mô 20 ha, gồm 800 căn nhà phố, biệt thự với thiết kế 1 trệt 2 lầu, căn chuẩn 5×20 m, căn góc 9×20 m. Trong đó, điểm nhấn là khu biệt thự ven sông với diện tích 10×20 m, 10×25 m. Dự án này nằm trong quần thể Khu đô thị mới TP. Tân An, trong quy hoạch đây là khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Long An với tuyến đường Quốc lộ 1A đi qua.

Mới đây, Tập đoàn Nam Long cũng mở bán giai đoạn 1 dự án Khu đô thị Waterpoint tại TP. Tân An, tỉnh Long An. Dự án có tổng diện tích đến 355 ha, giai đoạn 1 có quy mô 165 ha. Dự án với các dòng sản phẩm là nhà phố vườn, nhà phố thương mại, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, đất nền dinh thự (450 – 600 m2).

Một dự án nữa tại Long An đang được mở bán là Khu dân cư Việt Úc VAREA tại huyện Bến Lức do Công ty TNHH Công thương nghiệp Thịnh Hưng làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 20,5 ha, gồm các sản phẩm là đất nền, nhà phố.

Tại huyện Đức Hòa, dự án West Lakes Golf Villas cũng đang được mở bán. Dự án được xây dựng trên diện tích 120 ha, trong đó khu liền kề/biệt thự sân golf là 48 ha…

Bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, Long An hiện có 17 đô thị và 1 thành phố là Tân An. Cuối năm 2019, Tân An sẽ lên đô thị loại 2. Hiện nay, các tiêu chí đáp ứng đô thị loại 2 của Tân An là đã cơ bản.

Nhiều dự án lớn được triển khai tại Long An bắt đầu ra hàng
Nhiều dự án lớn được triển khai tại Long An bắt đầu ra hàng

 

“Thị trường TP. Tân An có yếu thế hơn so với thị trường các huyện giáp ranh với TP.HCM trong việc thu hút nhà đầu tư. Đây là điều dễ hiểu, vì khu vực này thuận lợi cho người dân đi làm việc tại TP.HCM đi về trong ngày, nên hưởng lợi từ chính sách giãn dân của TP.HCM. Tuy nhiên, TP. Tân An là bộ mặt trung tâm của Long An, nên tỉnh luôn ưu tiên đầu tư phát triển. Với định hướng lên đô thị loại 2, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư phát triển hạ tầng ở một số khu vực của Thành phố như đường Hùng Vương nối dài, đường vành đai TP. Tân An”, bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, hiện nay, tỉnh đã có quy hoạch phát triển 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Tây để định hướng phát triển cảnh quan và đầu tư. Trong nhiệm kỳ tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng đề xuất các khu vực phát triển của Tân An.

Khơi thông các điểm nghẽn

So với thị trường bất động sản các tỉnh lân cận TP.HCM, Long An được cho là có nhiều lợi thế.

Cụ thể, về mặt hạ tầng giao thông, Long An có 2 mặt giáp TP.HCM, với trục đường chính đang được đầu tư xây dựng và mở rộng như Quốc lộ 1A, điểm nối duy nhất giữa TP.HCM đi các tỉnh Tây Nam Bộ, Cao tốc TP.HCM – Trung Long, Quốc lộ 22 nối Long An đi tỉnh Tây Ninh, trục đường vành đai 3.

Các dự án này khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cánh và thời gian liên kết vùng giữa Long An với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo bà Đặng Thị Thúy Hà, thời gian này, đầu tư vào tỉnh Long An đã bắt đầu khởi sắc, thời cơ phát triển đã đến và tỉnh sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Những năm gần đây, Long An ghi nhận chỉ số năng lược cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao và đây cũng là tỉnh có mức tăng trưởng hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ đến từ sự phát triển của thị trường bất động sản.

“Tuy nhiên, thị trường bất động sản tại Long An cũng có những vấn đề tiêu cực trong quá trình phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều khu dân cư nhỏ lẻ, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch phát triển chung của tỉnh và các dự án”, bà Hà cho biết.

Cũng theo bà Hà, tỉnh Long An hiện còn thiếu các hạ tầng xã hội, nên phát triển không bền vững, khó thu hút dân cư về sinh sống.

Một điểm nghẽn nữa là hạ tầng giao thông. Tuy là cửa ngõ kết nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và nằm trong liên kết Vùng TP.HCM, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch kết nối với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, nhưng nhiều tuyến đường đã xuống cấp, hoặc chưa được phát triển tương xứng, tạo rào cản trong thu hút đầu tư.

Chẳng hạn, nhiều tuyến đường có quy mô tải trọng khá thấp, là cản ngại trong thu hút các nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, việc đầu tư chưa tập trung vào những công trình quan trọng, mang tính chiến lược để phát triển công nghiệp, đặc biệt là chưa hình thành được các trục đường chính ngoài hàng rào kết nối khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM và các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh thực hiện còn chậm, chưa phát huy được lợi thế tối ưu…

Để giải quyết điểm nghẽn này, ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang tăng cường đầu tư hạ tầng. Theo đó, hiện có một số tuyến trên địa bàn đang được đẩy nhanh triển khai, nhất là các tuyến trục động lực TP.HCM – Long An.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng 3 công trình trọng điểm là trục động lực TP.HCM – Tiền Giang – Long An; đường 830 trục Đức Hòa – Bến Lức (trong đó, đoạn Đức Hòa – Bến Lức đầu tư theo hình thức BOT đã thu phí, đoạn Bến Lức đến Quốc lộ 50 đang sang giai đoạn 2, đoạn Quốc lộ 50 sang cảng Tân Tập dự kiến tháng 4/2020 sẽ thông xe); đường vành đai TP. Long An gồm 4 đoạn, tỉnh sẽ bỏ vốn ngân sách đầu tư 2 đoạn, 2 đoạn còn lại sẽ kêu gọi đầu tư. Dự kiến, quý III/2020 sẽ hoàn thành.

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0909 158 078