TPHCM và 4 tỉnh sắp xây tuyến đường chiến lược dài 207km
TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An đang chuẩn bị triển khai dự án đường Vành đai 4 dài 207km, mở ra trục giao thông chiến lược.
Phối cảnh Vành đai 4 TPHCM khi đầu tư hoàn chỉnh.
Ảnh: Sở Giao thông Công chánh TPHCM
Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 207km, đi qua 5 tỉnh, gồm: TPHCM (16,7km); Bình Dương (47,95km); Đồng Nai (46,08km); Bà Rịa – Vũng Tàu (18,23km); Long An (78,3km, bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5km, đoạn qua địa phận TPHCM dài 3,8km).
Đối với đoạn qua tỉnh Bình Dương, địa phương này thực hiện một dự án độc lập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Các đoạn còn lại đi qua 4 địa phương sẽ được gộp chung thành một dự án tổng thể để trình Quốc hội phê duyệt.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án Vành đai 4 đoạn qua TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An có tổng chiều dài 159,3km.
Tổng vốn đầu tư khoảng 122.774 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Hướng tuyến Vành đai 4 TPHCM.
Ảnh: Sở Giao thông Công chánh TPHCM
Hiện Hội đồng thẩm định Nhà nước (do Bộ Tài chính là cơ quan thường trực) đang đánh giá báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để làm cơ sở trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5.2025.
Nếu được phê duyệt, các địa phương sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025 và giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2025 – 2026. Các dự án thành phần dự kiến khởi công vào quý III/2026 và hoàn thành trong năm 2028.
Riêng đoạn Vành đai 4 đi qua tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 18.247 tỉ đồng.
Hiện tỉnh Bình Dương đã phát hành hồ sơ mời thầu để tìm nhà đầu tư, với số vốn cần huy động là 11.743 tỉ đồng. Nhà đầu tư sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, dự kiến mở thầu vào ngày 15.5.
Giai đoạn 1, Vành đai 4 TPHCM sẽ giải phóng mặt bằng theo quy hoạch 8 làn, xây tuyến chính cao tốc 4 làn, 2 làn khẩn cấp, cùng đường gom và đường song hành hai bên. Ảnh: Sở Giao thông Công chánh TPHCM
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND TPHCM cho biết, do quy mô đầu tư lớn, Vành đai 4 cần có sự hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương. Tuy nhiên, hiện ngân sách Trung ương còn hạn chế và chưa có quyết định chính thức từ Thủ tướng và Bộ Tài chính về việc phân bổ vốn cho dự án.
Trước tình hình này, các địa phương chủ động đề xuất sử dụng ngân sách địa phương tham gia dự án để đảm bảo tiến độ.
Riêng tỉnh Long An, ngân sách địa phương chỉ có thể cân đối tối đa 10.000 tỉ đồng cho dự án. Vì vậy, tỉnh này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khoảng 31.013 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương.
Nếu Trung ương có thể cân đối nguồn vốn hỗ trợ, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng kiến nghị hỗ trợ 50% tổng vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án, với mức hỗ trợ lần lượt là 6.198 tỉ đồng cho Đồng Nai và 2.144 tỉ đồng cho Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khi hoàn thành, Vành đai 4 TPHCM sẽ không chỉ giúp kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp, đô thị và logistics.
Tuyến đường này sẽ giúp tối ưu hóa việc lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp, khu đô thị và cảng biển, đặc biệt là kết nối đến cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, tuyến Vành đai 4 còn tạo điều kiện thuận lợi cho xe từ Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 tiếp cận các cảng phía Long An và cảng Hiệp Phước (TPHCM).
Đây cũng là tuyến kết nối quan trọng giữa Bình Dương và sân bay Long Thành, bổ sung thêm một hướng di chuyển ngoài Vành đai 3 và cao tốc TPHCM – Long Thành.
Nguồn : Baoladong