PHƯƠNG ÁN MỞ RỘNG QUỐC LỘ 13 LÊN 8 LÀN XE ĐÃ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT

Quốc lộ 13 bắt đầu (km 0) từ ngã 5 Đài Liệt sĩ (thành phố Hồ Chí Minh) qua các quận Bình Thạnh, Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương)…

Giới thiệu về Quốc lộ 13

Quốc lộ 13 bắt đầu (km 0) từ ngã 5 Đài Liệt sĩ (thành phố Hồ Chí Minh) qua các quận Bình Thạnh, Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh, đến cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) (km 140), đây là cửa khẩu biên giới Việt Nam – Campuchia.

Quốc lộ 13 khi vào địa phận tỉnh Bình Dương còn có tên gọi khác là Đại lộ Bình Dương.

  • Tổng chiều dài 140,5 km.
  • Mặt đường rộng từ 5 m đến 7 m; Đến năm 2002, bề rộng mặt đường đoạn từ ngã tư Bình Phước đến Bến Cát đã được mở rộng từ 4 – 6 làn xe; chiều rộng từ 16 – 24 m.
  • Trải bê tông nhựa 99,6 km, đá nhựa 14 km và đường đất 28,57 km.
  • Trên đường có 9 cầu, tải trọng đến 25 tấn.

Hiện trạng Quốc lộ 13

Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành lân cận, đồng thời do vị trí địa lý của tỉnh Bình Dương nằm trên hành lang giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước về thành phố Hồ Chí Minh, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng phương tiện giao thông cá nhân, các loại phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chiếm nhiều diện tích mặt đường, tốc độ chậm,… đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, nhất là khu vực Nam Bình Dương, trong đó có Quốc lộ 13.

Con đường Quốc lộ 13 hay còn gọi là Đại lộ Bình Dương đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài nhiều giờ trên một số giao lộ, đoạn tuyến vào các giờ cao điểm trong ngày, thậm chí vào lúc trời mưa, triều cường sông Sài Gòn dâng cao tràn vào ngập một số điểm ở thị xã Thuận An.

Bên cạnh đó, cùng quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tốc độ đô thị hóa dọc hai bên tuyến Quốc lộ 13 gia tăng nhanh chóng, người dân san lấp mương dọc hai bên đường, san lấp hạ lưu thoát nước và lưu vực hai bên đường để xây dựng nhà, các công trình, vật kiến trúc,… làm mất đi khả năng tự thoát nước của đường.

Đồng thời, quá trình đô thị hóa trên diện rộng dẫn đến lượng nước từ các đường nhánh và lưu vực hai bên đường tập trung chảy dồn về phía đường, gây quá tải cho hệ thống thoát nước dọc của đường, nên xảy ra hiện tượng ngập nước ở một số vị trí như phản ánh của người dân trong thời gian qua.

Phương án mở rộng Quốc lộ 13

Theo UBND tỉnh Bình Dương, QL 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.

Theo phương án vừa được phê duyệt, QL13 được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, đoạn từ cổng chào P.Vĩnh Phú (TX.Thuận An, Bình Dương, giáp ranh TPHCM) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Cả 2 làn mở rộng đều nằm bên phải hướng từ TPHCM đi Bình Phước, được đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ cả hai bên đường. Dự án còn xây 2 cầu vượt quy mô 4 làn xe gồm giao lộ ngã tư Bình Hòa (cầu Ông Bố, P.Bình Hòa, TX.Thuận An) và giao nhau giữa đại lộ Hữu Nghị (KCN VISP 1, TX.Thuận An) với QL13. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2019 – 2022.
Cũng theo Tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương, sau khi dự án mở rộng QL13 hoàn thành sẽ sử dụng Trạm 1 (Vĩnh Phú) và Trạm 2 (Suối Giữa) để thu phí trên từng nhóm phương tiện nhằm thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hằng năm không vượt quá theo quy định của Bộ Tài chính.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.411 tỷ đồng.

Hiện nay, ngoài đường vành đai 3, vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, ĐT 746, ĐT 747B mở rộng, sắp tới Bình Dương còn đón thêm nhiều công trình giao thông lớn có thể kể đến như tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Lộc Ninh, metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên, kéo dài metro Bến Thành – Suối Tiên đến thị xã Dĩ An…

Các công trình này tạo sự gắn kết về kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với Bình Dương, thành phố Biên Hòa trở nên vô cùng thuận lợi. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải,… sẽ giúp cho khu vực kinh tế sôi động nhất cả nước như hổ mọc thêm cánh. Cộng với việc chính quyền địa phương luôn sát cánh tháo gỡ nhanh những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư nên doanh nghiệp có thêm điều kiện triển khai nhanh dự án đưa sản phẩm ra thị trường.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0909 158 078